Thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

12/10/2020 14:06:26
Thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Ban hành kèm theo Quyết định số 3831/QĐ-UBND ngày 05/09/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý và giải quyết của Sở Lao động _ Thương binh và Xã hội được chuẩn hóa tại thành phố Hồ Chí Minh.

HƯỚNG DẪN NỘP HỒ SƠ TRỰC TUYẾN TRÊN TRANG WEB CẤP PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CỦA CỤC VIỆC LÀM - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HƯỚNG DẪN NỘP HỒ SƠ TRỰC TUYẾN TRÊN TRANG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN CỦA THÀNH PHỐ

Thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

a) Trình tự thực hiện: 

- Bước 1: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (số 159 đường Pasteur, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), từ thứ hai đến thứ sáu (buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút).

- Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ: chuyên viên nhận, lập và giao biên nhận có ngày hẹn kết quả cho người nộp hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ: chuyên viên trả lại hồ sơ kèm theo phiếu yêu cầu bổ sung hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

- Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của người sử dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Bước 4: Căn cứ ngày hẹn trên biên nhận, người sử dụng người lao động nước ngoài đến nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

b) Cách thức thực hiện: Người sử dụng người lao động nước ngoài nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Thành phần hồ sơ:          

* Trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn bị mất, hồ sơ gồm:

+ Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động (Mẫu số 7).

+ 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

+ Giấy phép lao động bị mất thì phải có xác nhận của cơ quan Công an cấp xã của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của pháp luật.

* Trường hợp giấy phép lao động bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động, hồ sơ gồm:

  + Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động (Mẫu số 7).

+ 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

+ Trường hợp thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động thì phải có các giấy tờ chứng minh.

* Trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày thì, hồ sơ gồm:

+ Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động (Mẫu số 7).

+ 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

+ Giấy phép lao động đã được cấp

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính đối chiếu giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ. Nếu các giấy tờ của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính đối chiếu các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài. Nếu giấy tờ của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam gồm:

• Đối với người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng;

• Đối với người lao động nước ngoài thực hiện hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế thì phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

• Đối với người lao động nước ngoài là nhà cung câp dịch vụ theo hợp đồng phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 năm.

• Đối với người lao động nước ngoài chào bán dịch vụ thì phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.

• Đối với người lao động nước ngoài làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thì phải có giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

• Đối với người lao động nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại thì phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó.

• Đối với người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật mà tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam thì phải có văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đó.

+ Trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì ngoài thành phần hồ sơ trên, phải có văn bản chứng minh đáp ứng yêu cầu theo quy định:

• Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau: Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài; Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

• Nhà quản lý, giám đốc điều hành là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:  Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức; Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

• Lao động kỹ thuật là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo.

-  Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

d) Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

đ) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Người sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định.

e) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

- Giấy phép lao động được cấp lại (theo Mẫu số 8)

- Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động thì có văn bản trả lời cho người sử dụng lao động (theo Mẫu số 11)

h) Lệ phí: 450.000 đồng

i)Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

- Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài (theo Mẫu số 7 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH)

 - Giấy phép lao động (theo Mẫu số 8 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH)

- Văn bản trả lời không cấp lại giấy phép lao động  (theo Mẫu số 12 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH)

k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Trước ít  nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.

l) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Bộ luật Lao động, ngày 18/6/2012 (có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2013).

- Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (có hiệu lực kể từ ngày ngày 01/4/2016).

- Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội (có hiệu kể từ ngày 01/01/2017).

- Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật phí và lệ phí (có hiệu kể từ ngày 01/01/2017).

- Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày ngày 12/12/2016).

- Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017).

Bản in
Tập tin đính kèm: